Điểm tin văn bản Pháp luật – tháng 2 năm 2022

28 Tháng 2 2022 BY deepc

 

Bản tin văn bản pháp lý tháng 2 năm 2022 tiếp tục cập nhật các văn bản và chính sách nổi bật được Nhà nước ban hành trong thời gian vừa qua. Với tinh thần và chủ trương tạo điều kiện khôi phục sản xuất, đưa đời sống sinh hoạt của nhân đân trở lại trạng thái bình thường mới, Chính phủ tiếp tục ban hành một số chính sách nhằm ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

1. Giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% năm 2022, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động làm viêc trong các Khu Công nghiệp tại Nghị Quyết 43/2022/QH15 và Nghị Quyết 11/NQ-CP
Ngày 11/01/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị Quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chưa đầy 1 tháng sau khi ban hành Nghị Quyết 43, ngày 30/01/2022, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị Quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Việc ban hành Nghị Quyết 11 là một chiến lược quan trọng, cụ thể hóa chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế theo tinh thần của Nghị Quyết 43. Các chính sách hỗ trợ nổi bật của hai Nghị Quyết này như sau:
- Giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% trong năm 2022:
Áp dụng với nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dựng mức thuế suất thuế GTGT 10% trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt;
Văn bản hướng dẫn: Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính Phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị Quyết số 43/2022/QH15 của Quốc Hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội ban hành ngày 28/01/2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2022.
- Hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm;
- Thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi như: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay đối với các nhân, hộ gia đình để mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng hoặc cải tạo nhà ở; cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua thiết bị học tập trực tuyến; etc.
- Tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động.
- Gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022.
Hai Nghị Quyết đều có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

giam-VAT.jpg

2. Tạo thuận lợi về thủ tục nhập cảnh với người nước ngoài
Đây là một trong những nội dung quan trọng của Công văn 450/VPCP-QHQT của Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 18/01/2022 về giải quyết nhập cảnh cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Về thẩm quyền, thủ tục xét duyệt nhập cảnh:
- Đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang giấy tờ nhập cảnh hợp lệ (thẻ thường trú, thẻ tạm trú, thị thực, giấy miễn thị thực còn giá trị): Được nhập cảnh Việt Nam theo quy định, mà không phải làm lại thủ tục kiểm tra nhân sự, cấp thị thực/ giấy miễn thị thực, không cần xin phê duyệt chủ trương nhập cảnh của bộ, ngành, địa phương.
- Đối với người nước ngoài chưa có thị thực:
UBND cấp tỉnh tiếp tục xem xét phê duyệt tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp nhập cảnh để làm việc, dự hội nghị, hội thảo, học tập, nhân đạo… trên địa bàn tỉnh;
Công văn 450/VPCP-QHQT có hiệu lực kể từ ngày 18/01/2022.

3. Hướng dẫn mới về cách ly với người nhập cảnh
Hiện nay, các hướng dẫn liên quan đến việc cách ly áp dụng với người nhập cảnh đang được thực hiện theo Công văn số 10688/BYT-MT do Bộ Y Tế ban hành ngày 16/12/2021, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022.
Theo đó, người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 thì: trong 03 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh:
- Tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú (gồm nhà ở, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, trụ sở của cơ quan đại diện, …); không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú.
- Thực hiện xét nghiệm Covid bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh, nếu kết quả âm tính thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh, trường hợp dương tính thì xử lý theo quy định.
Đối với người nhập cảnh chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin COVID-19:
- Thực hiện cách ly tại nơi lưu trú trong 07 ngày kể từ ngày nhập cảnh, xét nghiệm Covid bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7.
- Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày, trường hợp dương tính thì xử lý theo quy định.

11.jpg

4. Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực từ 01/01/2022; và Nghị định và Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường được ban hành
Sau hơn 1 năm ra đời từ ngày 17/11/2020, Luật Bảo vệ Môi trường số 72/2020/QH14 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022. Với nội dung trọng tâm xuyên suốt là bảo vệ các thành phần trong môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật hi vọng sẽ mang đến những tác động tích cực tới xã hội và cộng đồng.
Ngày 10/01/2022, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường, cùng ngày hôm đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT hướng dẫn thi hành cụ thể.
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP có 13 Chương 169 Điều. Nghị định đã quy định chi tiết các nội dung của Luật Bảo vệ môi trường về bảo vệ các thành phần môi trường; phân vùng môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường, đăng ký môi trường; bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, nông thôn và một số lĩnh vực; quản lý chất thải; trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; quan trắc môi trường; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường; công cụ kinh tế và nguồn lực bảo vệ môi trường; quản lý nhà nước, kiểm tra, thanh tra và cung cấp dịch vụ công trực tuyến về bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT có 7 Chương với 85 Điều và các Phụ lục, được ban hành trên nguyên tắc đảm bảo phù hợp Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022, các văn bản Luật khác có liên quan, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Theo đó, Thông tư bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật hiện hành; sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm phù hợp với thực tế, tính hợp lý, nâng cao tính minh bạch, rõ ràng và dễ tiếp cận. Ngoài ra, Thông tư này cũng đơn giản hóa thủ tục hành chính và cắt giảm điều kiện kinh doanh, chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm cũng như bổ sung những quy định mới để khắc phục một cách cơ bản các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế của pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành. Qua đó, Thông tư này tạo thuận lợi, dễ dàng cho hoạt động đầu tư kinh doanh, đồng thời đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số.

Cả Nghị định 08/2022/ND-CP và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT đều có hiệu lực kể từ ngày 10/01/2022.

12.jpg

5. Sửa đổi một số quy định của Luật Doanh Nghiệp, Luật Đầu tư
Ngày 11/01/2022, Quốc hội thông qua Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Theo đó, Luật này đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến Luật Doanh Nghiệp và Luật Đầu tư như sau:
- Bổ sung ngành, nghề kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư 2020;
- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 49 Luật Doanh nghiệp 2020 về quyền của thành viên công ty;
Luật số 03/2022/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2022.

6. Các trường hợp được bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Từ ngày 01/03/2022, quy định về mức bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện theo Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được ban hành ngày 28/12/2021. Như vậy các trường hợp được bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bao gồm:
- Người lao động bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết do tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người lao động này gây ra; trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH.
- Người lao động bị bệnh nghề nghiệp làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết do bệnh nghề nghiệp khi đang làm việc cho người sử dụng lao động, hoặc trước khi nghỉ hưu, trước khi thôi việc, trước khi chuyển đến làm việc cho người sử dụng lao động khác (không bao gồm các trường hợp người lao động bị bệnh nghề nghiệp do làm các nghề, công việc cho người sử dụng lao động khác gây nên).

7. Chính sách điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng BHXH
Đây là nội dung tại Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH ngày 31/12/2021 quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH. Theo đó, tiền lương tháng đã đóng BHXH đối với NLĐ đóng BHXH bắt buộc được điều chỉnh theo công thức sau:
Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm x Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng.
Trong đó, mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng như sau:

13.jpg

Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 20/02/2022, và được áp dụng từ ngày 01/01/2022.

8. Tăng thời gian làm thêm tối đa với lao động thời vụ
Theo Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ 01/02/2022, thời gian làm việc, làm thêm tối đa của người làm công việc thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng tăng 12 giờ/tuần và 8 giờ/tháng.
- Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày;
- Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm không quá 72 giờ/tuần; (Hiện hành là 60 giờ/tuần)
- Tổng số giờ làm thêm không quá 40 giờ/tháng; (Hiện hành là 32 giờ/tháng)
- Tổng số giờ làm thêm đối với mỗi NLĐ không quá 300 giờ/năm.

9. Tăng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng từ 01/01/2022
Từ ngày 01/01/2022, Nghị định số 108/2021/ND-CP của Chính Phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng sẽ được áp dụng thực hiện.
Theo đó, mức lương hưu của tháng 12/2021 cho các nhóm đối tượng quy định chi tiết tại Điều 1.1 của Nghị định sẽ được điều chỉnh tăng thêm 7.4%. Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định này là căn cứ để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ở những lần điều chỉnh tiếp theo.

10. Không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai bị phạt đến 50 triệu đồng
Nghị định 03/2022/NĐ-CP do Chính Phủ ban hành ngày 06/01/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều. Theo đó, hành vi không đóng Quỹ phòng, chống thiên tai bị phạt lên đến 50 triệu đồng. So với Nghị định cũ số 104/2017/NĐ-CP thì Nghị định 03 này đã tăng mức phạt tiền tối thiểu với hành vi không đóng quỹ phòng, chống thiên tai hàng năm từ tối thiểu 50 nghìn đồng lên tối thiểu 300 nghìn đồng, giữ nguyên mức tối đa không quá 50 triệu đồng.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn bị buộc đóng vào Quỹ phòng, chống thiên tai.
Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

14.jpg

KẾT NỐI VỚI DEEP C