Việt Nam triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu
"Mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy được vai trò tích cực với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên."
Hội thảo trực tuyến giới thiệu Dự án "Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu" có mục đích phổ biến thông tin đến các cơ quan liên quan của địa phương, doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp (KCN) tại Hải Phòng và các doanh nghiệp trong KCN Đình Vũ về chương trình hoạt động của Dự án.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Giám đốc Dự án đánh giá cao vai trò đầu tàu của các KCN, khu kinh tế (KKT) đối với tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Phó Vụ trưởng Minh Hiếu cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực của các KCN, quá trình công nghiệp hóa với tốc độ nhanh tại Việt Nam đã và đang đặt ra nhiều thách thức về môi trường. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển, trong đó có KCN theo hướng bền vững hơn, phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh, cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên hợp quốc, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP 21)...
Từ năm 2015 đến 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với một số nhà tài trợ như: Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thí điểm chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái để phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu, thúc đẩy sự liên kết hợp tác trong sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn lực.
Trên cơ sở kết quả đạt được, mô hình, định hướng và cơ chế chính sách cho KCN sinh thái đã được quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quản lý KCN và KKT.
Phó Vụ trưởng Minh Hiếu khẳng định, mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy được vai trò tích cực với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan.
“Dự án "Triển khai khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu" có mục tiêu thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình KCN sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan; là sự kế thừa kết quả triển khai thí điểm mô hình này trong thời gian qua với các KCN đã được thí điểm tại Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ và hiện nay tiếp tục phát triển mạnh tại Hải Phòng, Đồng Nai, TP. HCM cũng như dự kiến nhân rộng trên cả nước.
Thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Vụ trưởng Minh Hiếu ghi nhận và cảm ơn sự hỗ trợ, hợp tác tích cực của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ nói riêng và các tổ chức quốc tế nói chung, đã giúp Việt Nam triển khai thành công bước đầu mô hình KCN sinh thái thời gian qua. Bà Minh Hiếu hy vọng, thông qua Hội thảo, các đại biểu sẽ có nhiều thông tin quý báu để xem xét tham gia Dự án trong thời gian tới và tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các đối tác để nhân rộng mô hình này trên toàn quốc.
Phát triển KCN sinh thái - “Lực đẩy” thu hút đầu tư vào Hải Phòng - Theo chương trình từ nay đến năm 2025, Thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục phát triển thêm 15 KCN với diện tích tăng thêm khoảng 6.200 ha, thu hút thêm 12-15 tỷ USD.
Tại Hội thảo trực tuyến, đại diện cho lãnh đạo Thành phố Hải Phòng, ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng ban Quản lý KKT Hải Phòng chia sẻ những đóng góp tích cực, hiệu quả của các KCN, KKT Hải Phòng cho phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố. Theo đó các KCN, KKT Hải Phòng đã đóng góp khoảng 80% giá trị kim ngạch xuất khẩu và 70% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn Thành phố. Hiện KCN, KKT Hải Phòng đã thu hút được 570 dự án đầu tư, trong đó có trên 400 dự án nước ngoài (FDI) và trên 170 dự án trong nước (DDI); trong đó dự án FDI quy mô lớn với số vốn đầu tư đạt khoảng 3,25 tỷ USD và dự án đầu tư DDI có quy mô sản xuất khoảng 3 tỷ USD (dự án Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast của Tập đoàn Vingroup). Các KCN, KKT Hải Phòng hiện đang giải quyết việc làm cho khoảng 160.000 lao động trong và ngoài Thành phố (trong đó có 4.500 người là các chuyên gia, nhà quản lý, lao động nước ngoài).
Về định hướng phát triển các KCN, KKT Hải Phòng, Phó Trưởng ban Bùi Ngọc Hải cho biết, Hải Phòng có truyền thống phát triển các KCN, hơn nữa là địa phương đi đầu trong công tác phát triển các KCN. Ngay từ khi KCN đầu tiên của Hải Phòng ra đời, Thành phố đã ý thức nhu cầu phát triển bền vững các KCN theo hướng KCN sinh thái là một yếu tố tất yếu, là điểm rất quan trọng để quyết định lợi thế cạnh tranh của Thành phố nói chung các chủ đầu tư hạ tầng các KCN trong thu hút đầu tư và phát triển môi trường bền vững.
“Ngay từ khi Việt Nam chưa triển khai KCN sinh thái, lãnh đạo Thành phố đã chủ động liên hệ với thành phố kết nghĩa tại Nhật Bản để triển khai chương trình phát triển KCN xanh, trong đó có một nội dung là phát triển KCN sinh thái. Khi có chương trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO, lập tức Hải Phòng đăng ký tham gia hưởng lợi Dự án này. Kết quả là KCN DEEP C đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt vào một trong các KCN thí điểm để triển khai Dự án KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu”, ông Bùi Ngọc Hải nhấn mạnh.
Cũng theo ông Ngọc Hải, hiện nay trên địa bàn Thành phố Hải Phòng có 02 KCN đi theo hướng KCN sinh thái là KCN DEEP C (540 ha) và KCN Nam Cầu Kiền (gần 270 ha). Như vậy, trên tổng diện tích 12 KCN Hải Phòng đang triển khai đầu tư (gần 5000 ha), diện tích mà các KCN trực tiếp triển khai KCN sinh thái chiếm trên 16,5% trong các KCN đang triển khai của Hải Phòng.
Theo chương trình từ nay đến năm 2025, Thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục phát triển thêm 15 KCN với diện tích tăng thêm khoảng 6.200 ha, thu hút thêm 12-15 tỷ USD. Với tốc độ thu hút đầu tư tham vọng như vậy, Hải Phòng nhận thấy việc phát triển các KCN theo mô hình KCN sinh thái sẽ là một trong các biện pháp rất quan trọng để Thành phố triển khai phát triển KCN xanh, bền vững.
Năm 2005, Hải Phòng đã có Nghị quyết về phát triển KCN, CCN trên địa bàn Thành phố, đồng thời có quyết định phê duyệt danh mục các dự án trong KCN, KKT được khuyến khích đầu tư, hạn chế đầu tư, đã chứng tỏ công tác chỉ đạo phát triển KCN của Hải Phòng rất nhất quán và có từ sớm.
Trong phát triển KCN sinh thái, Thành phố nhận thấy, đây là một mô hình đòi hỏi cộng sinh công nghiệp và hợp tác chặt chặt chẽ trong chia sẻ các nguồn nguyên liệu, năng lượng theo mô thức kinh tế tuần hoàn trong KCN và giữa các KCN với nhau. Với định hướng như vậy, ngay từ đầu khâu quy hoạch, Thành phố đã có bước tính toán, chuẩn bị kỹ công tác quy hoạch địa điểm để xác định mức độ phù hợp của dự án với môi trường, cảnh quan xung quanh, nhằm đảm bảo các dự án đi theo phải thực hiện cộng sinh công nghiệp, tránh xảy ra trường hợp xung đột sau này; đồng thời áp dụng ngay những tiêu chuẩn sinh thái cho việc quy hoạch, xây dựng dự án đầu tư phát triển hạ tầng KCN ngay từ giai đoạn đầu, dự kiến ngay các loại hình công nghiệp có thể liên kết bổ trợ cho nhau trong sản xuất để tái sử dụng, sử dụng tuần hoàn các nguồn tài nguyên, nguyên vật liệu…; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư có sử dụng mô hình cộng sinh công nghiệp để thu hút vào cụm chung sử dụng; hàng năm rà soát, quy định lại các ngành nghề, các danh mục dự án mà Thành phố cần định hướng khuyến khích đầu tư hoặc đầu tư có điều kiện; liên tục thẩm tra, đánh giá công nghệ của các dự án nhằm bảo đảm bản chất công nghệ, góp phần nâng cao tái sử dụng nguồn năng lượng, tài nguyên của các dự án xung quanh.
Theo Phó Trưởng ban Bùi Ngọc Hải, phát triển KCN sinh thái nhìn rộng ra là một cụm, chuỗi các KCN có liên kết, tương hỗ lẫn nhau. Trong quá trình phát triển KCN sinh thái thực tế đang gặp phải một số rào cản, vì vậy để khuyến khích các KCN và các doanh nghiệp KCN tham gia vào mô hình KCN sinh thái thì ngoài những quy định chung trong tiêu chí xây dựng của KCN sinh thái, cần có chính sách hấp dẫn cho KCN sinh thái, nhất là giai đoạn đầu chuyển đổi từ KCN thường sang KCN sinh thái, để từ đó kích hoạt, tạo thành phong trào, qua đó thúc đẩy thu hút các nhà đầu tư tham gia vào kinh tế tuần hoàn.
Cần thiết chuyển đổi KCN thường sang mô hình KCN sinh thái
Đánh giá thực trạng phát triển các KCN, KKT thời gian qua, bà Minh Hiếu cho biết, đến hết năm 2020 cả nước có 369 KCN được thành lập với tổng diện tích là 114 nghìn ha, trong đó: 284 KCN đã đi vào hoạt động với diện tích là 85 nghìn ha với tỷ lệ lấp đầy đạt 70,2%; 85 KCN đang xây dựng cơ bản với diện tích là 29 nghìn ha; 90% KCN đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Về KKT, cả nước 26 KKT cửa khẩu được thành lập với tổng diện tích 766 nghìn ha; 18 KKT ven biển được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853 nghìn ha.
Các KCN, KKT đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đến nay các KCN, KKT cả nước thu hút được 10.528 dự án FDI (220,18 tỷ USD) và 9.995 dự án DDI (2.420 nghìn tỷ đồng), chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội (45-50%); đồng thời vốn đầu tư thực hiện trong KCN, KKT cũng tăng lên đáng kể, cuối năm 2020 vốn đầu tư thực hiện đạt gần 200 tỷ USD.
Các dự án trong KCN, KKT góp phần đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước đưa Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đóng góp đáng kể trong tổng thu Ngân sách Nhà nước, góp phần làm giảm áp lực cho chính sách tài khóa.
Song thực tế, một số KCN đang hoạt động chưa hoàn thành xây dựng nhà máy xử lý nước thải đã gây ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khỏe và đời sống người dân quanh KCN (chất thải nguy hại tăng; ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí...).
Bà Minh Hiếu chia sẻ kết quả thí điểm chuyển đổi một số KCN sang KCN sinh thái. Theo đó, ở cấp độ KCN đã góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động của các nhà máy xử lý nước thải tại; cải thiện công tác quản lý và xử lý rác thải rắn; đề xuất giải pháp tái sinh, tái sử dụng hoặc cộng sinh năng lượng dư thừa hoặc tái sử dụng rác thải; đề xuất giải pháp cộng sinh công nghiệp. Ở cấp độ doanh nghiệp, mang lại lợi ích kinh tế (tiết kiệm nguyên vật liệu, nhiên liệu, điện năng, nước, hóa chất) và lợi ích môi trường (giảm chất thải rắn, khí, hóa chất độc hại…)
Chính sách và định hướng phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam - Mục tiêu phát triển KCN sinh thái nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, sử dụng hiệu quả năng lượng, sản xuất sạch hơn và tạo điều kiện xây dựng các mối gắn kết chặt chẽ trong sản xuất của các doanh nghiệp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO, mục tiêu phát triển KCN sinh thái nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, sử dụng hiệu quả năng lượng, sản xuất sạch hơn và tạo điều kiện xây dựng các mối gắn kết chặt chẽ trong sản xuất của các doanh nghiệp trong KCN; giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm và chất thải, khuyến khích sử dung công nghệ sạch, các phương pháp sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường, áp dụng các giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất trong KCN; hình thành cộng đồng doanh nghiệp trong KCN có sức cạnh tranh trên thị trường, phát triển bền vững, bảo vệ và phát triển môi trường sống cho cộng đồng xung quanh KCN.
Cơ chế chính sách phát triển KCN hỗ trợ, KCN sinh thái được quy định rõ trong Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, được ban hành ngày 22/5/2018, theo đó:
Khuyến khích nhà nước khuyến khích và có biện pháp hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập mới hoặc chuyển đổi toàn bộ hoặc một phần khu công nghiệp thuộc quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sang hoạt động theo mô hình khu công nghiệp hỗ trợ, KCN sinh thái theo quy định tại Nghị định này; nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và nhà đầu tư thuê đất, thuê lại đất đã có hạ tầng trong KCN hỗ trợ, KCN sinh thái được hưởng các ưu đãi áp dụng đối với đầu tư vào KCN, ưu đãi áp dụng theo địa bàn và ngành, nghề theo quy định pháp luật và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ về thủ tục hành chính, tư vấn kỹ thuật, xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin hợp tác đầu tư theo quy định tại Nghị định này.
Mục tiêu phát triển KCN sinh thái nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, sử dụng hiệu quả năng lượng, sản xuất sạch hơn và tạo điều kiện xây dựng các mối gắn kết chặt chẽ trong sản xuất của các doanh nghiệp trong KCN; giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm và chất thải, khuyến khích sử dụng công nghệ sạch, các phương pháp sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường, áp dụng các giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất trong KCN; hình thành cộng đồng doanh nghiệp trong khu công nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường, phát triển bền vững, bảo vệ và phát triển môi trường sống cho cộng đồng xung quanh KCN.
Hướng tiếp cận của dự án
Dự án "Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu" được triển khai tại các tỉnh/thành phố Hải Phòng, Đồng Nai, TP. HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ, với các KCN thí điểm bao gồm: KCN Amata (Đồng Nai), KCN Deep C (Hải Phòng), KCN Hiệp Phước (Hồ Chí Minh), KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng). Ngoài ra, Dự án tiếp tục hỗ trợ phát triển các cơ hội cộng sinh công nghiệp ở cấp độ doanh nghiệp và KCN đã được xác định từ pha trước của Dự án. Kinh nghiệm thực hiện tại các KCN này sẽ là mô hình mẫu để nhân rộng và phát triển mô hình KCN sinh thái trên cả nước.
Hiện nay, Dự án đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ các KCN trong khuôn khổ Dự án và thực hiện các giải pháp chuyển đổi KCN sinh thái thông qua đào tạo tập huấn, thực hiện giải pháp về hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) và cộng sinh công nghiệp; hỗ trợ tiếp cận các nguồn pháp tài chính cho việc chuyển đổi.
Với những cố gắng nỗ lực quyết tâm cao của Chính phủ Việt Nam cùng với sự hỗ trợ, vào cuộc tích cực của UNIDO và các tổ chức quốc tế, chắc chắn trong tương lai gần Việt Nam sẽ phát triển hệ thống KCN sinh thái tại các địa phương trên cả nước./.
Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) từ nguồn tài trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO). Thời gian thực hiện Dự án là 03 năm (từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2023.
Các đối tác của Dự án là các Bộ, ngành liên quan; chính quyền địa phương, Ban quản lý các KCN, KKT các tỉnh thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, TP. HCM.
Mục tiêu của dự án gắn kết với mục tiêu của Chương trình KCN sinh thái toàn cầu (GEIPP), thể hiện sự khả thi và lợi ích của các phương pháp tiếp cận KCN sinh thái trong cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên, hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của các doanh nghiệp, từ đó góp phần vào sự phát triển công nghiệp bền vững và toàn diện ở Việt Nam./.